Con vào lớp 6 và những điều phụ huynh nên biết

Casalink 23 Th11, 2023
Con vào lớp 6 và những điều phụ huynh nên biết - Casalink
Lớp 6 là giai đoạn chuyển từ cấp học tiểu học lên trung học cơ sở. Đây là một thời điểm quan trọng đối với học sinh và phụ huynh. Giai đoạn này không chỉ là việc thay đổi môi trường học tập mà còn là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển cá nhân, tạo ra nhiều khó khăn và thách thức.
Không còn “cơn mưa” điểm 9, điểm 10 như ở cấp dưới, mà thay vào đó là kết quả các bài kiểm tra 15 phút, giữa và cuối kỳ có điểm số thấp, thậm chí dưới trung bình. Để chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng trước khi bước chân vào giai đoạn chuyển cấp này, Casalink xin được trích dẫn một số lời khuyên từ cô giáo Trần Mai Anh, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

1. Sự khác biệt giữa chương trình, hình thức và phương pháp học tập ở bậc THCS và TIỂU HỌC:

1.1 Lượng kiến thức lớp 6 rộng và khó hiểu hơn.

Lên lớp 6, số lượng môn học sẽ nhiều hơn và xuất hiện các bộ môn hoàn toàn mới. Lượng kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cũng có độ khó và độ bao phủ rộng đòi hỏi học sinh phải chăm chú nghe giảng trên lớp và chủ động hoàn thành đầy đủ bài tập về nhà. Ngoài ra, để đạt điểm cao, các bạn học sinh cũng cần tự ôn tập, tham khảo những cuốn sách bổ trợ khác nhau mới có thể học tốt.

1.2 Thang điểm đánh giá năng lực “gắt gao” hơn.

Điểm số trong các bài kiểm tra ở cấp 2 cũng sẽ không còn dễ dàng đạt giới hạn tuyệt đối như ở bậc Tiểu học. Những điểm 9, điểm 10 sẽ xuất hiện với tần số ít ỏi hơn, ngoại trừ những học sinh thật sự xuất sắc. Không như tiểu học, tần suất các bài kiểm tra miệng, 15 phút, 45 phút… và khối lượng bài tập cần hoàn thành đúng “deadline” trong mỗi học kì cũng sẽ khiến con áp lực hơn rất nhiều.

1.3 Phương pháp học rất khác so với bậc Tiểu học

Lên cấp hai, học sinh sẽ học tập dưới sự hướng dẫn của khoảng 9 giáo viên. Mỗi giáo viên sẽ phụ trách một môn học và ít có thời gian để chia sẻ với học sinh như ở Tiểu học. Thậm chí có những thầy cô rất khắt khe và nghiêm khắc khiến con đôi khi cảm thấy không có sự gần gũi hay quan tâm, nhẹ nhàng như khi học cấp 1.

1.4 Những thay đổi về mặt tâm sinh lý tuổi dậy thì khi con vào lớp 6

Đây cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn khi kết nối với con. Bởi ở độ tuổi này, tâm, sinh lý của con cũng đã có những sự phát triển phức tạp hơn.
Các con muốn tự lập, muốn khẳng định chính mình nên đôi khi việc giao tiếp với người lớn sẽ có phần “khó bảo” hơn. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường và bố mẹ cũng có thể hiểu được phần nào khi bản thân mình cũng đã từng trải giai đoạn như thế.

2. GIẢI PHÁP

2.1 Luôn lắng nghe và đồng hành cùng con

Đối với các bạn đang có kết quả không tốt trong kì thi lớp 6, bố mẹ hãy là bạn đồng hành cùng con. Đặc biệt là những năm đầu cấp vì đây là thời điểm các con gặp nhiều khó khăn, chưa quen với môi trường học tập mới.
Nếu thường xuyên phải nghe những lời trách mắng của bố mẹ, con sẽ sinh ra tâm lý chán nản và có cái nhìn tiêu cực với việc học. Vì vây, bố, mẹ hãy thật tâm lý, thấu hiểu và cảm thông với những kết quả kém do khách quan mà con gặp phải. Đừng gây áp lực quá cho con như ở bậc tiểu học, ba, mẹ nhé.
Vì thay đổi mỗi cấp học sẽ phải thay đổi phương pháp học tập. Có thể giai đoạn đầu các con sẽ có điểm số chưa tốt, bố mẹ đừng thất vọng. Tuyệt đối đừng so sánh năng lực của con với bạn bè cùng trang lứa mà vô tình làm các con lo lắng.
Đối với bố mẹ có con đang ở độ tuổi lớp 5: Bố mẹ hãy sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ cho con thay đổi dần các thói quen khi học ở cấp 1 và sẵn sàng cho việc học vào nề nếp khi chuẩn bị hành trang vào cấp 2.

2.2 Phương pháp học tập hiệu quả hành trang cho con học lớp 6:

  • Cùng con lập thời gian biểu. Thời gian biểu chia đều thời gian giữa các môn học. Hoàn thành đầy đủ bài tập về nhà và dành thời gian đọc trước bài ngày mai sẽ học.
  • Sau khi cùng con xây dựng thời gian biểu phù hợp, việc thực hiện có kỷ luật là điều vô cùng quan trọng. Nếu bố, mẹ ngay từ đầu có thể áp dụng tốt điều này thì chắc chắn việc làm quen với môi trường học tập sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
  • Cần đảm bảo có kiến thức nền tảng bậc Tiểu học để làm cơ sở tiếp tục học nâng cao dần ở bậc THCS. Ngoài ra các con cũng cần biết thêm về số lượng các môn học, yêu cầu về phương pháp học tập, cách đánh giá, xếp loại ở bậc THCS (những khác biệt so với bậc Tiểu học) để tránh cảm giác bỡ ngỡ, dò dẫm.
Trên là bài viết do cô giáo Trần Mai Anh chia sẻ, mong bài viết trên là có ích cho cộng đồng và giúp đỡ những bố mẹ bận rộn đồng hành tốt hơn trong con đường học tập và xây dựng tương lai của con sau này.